Phong Thủy Kinh Thành Huế | Phong Thủy Kinh Đô Huế
Đến với Kinh Thành Huế bạn có thắc mắc rằng tại sao gọi là núi Ngự Bình? Tại sao bao quanh kinh thành huế lại là những giao thông hào bằng nước? Tất cả các ngôi chùa ở Huế lại nằm nhiều trục Tây Đông? Tất cả những câu hỏi trên được giải thích tóm lược và đơn giản nhất trong bài viết này để mọi người có thể dễ hình dung và hiểu hơn về Phong Thủy của Kinh Đô Huế.
* Thời Gian Xây Dựng Kinh Thành Huế: bắt đầu xây dựng từ năm 1805 (dưới thời vua Gia Long) – hoàn thành năm 1832 thời vua Minh Mạng.
* Kinh thành Huế gồm 3 vòng:
1/ Vòng thành lớn nhất ở ngoài cùng được gọi là kinh thành được xây theo kiểu vua ban
2/ Vòng thành thứ hai là Hoàng thành với 4 cổng vào là Ngọ môn (cổng chính), Hiển Nhơn môn, Chương Đức môn, Hòa Bình môn.
3/ Vòng thành thứ ba là Tử cấm thành, có cổng lớn nhất chính là Đại cung môn.
Toàn bộ kinh thành đều quay về hướng Đông Nam, nhận núi Ngự Bình làm tiền án, sông Hương làm minh đường. Cồn Hến đóng vai trò là Tả Thanh Long, cồn Giã Viên là Hữu Bạch Hổ. Xa về phía bắc thì có đèo Ngang (dãy Hoành Sơn), phía nam thì có dãy Bạch Mã, phía tây lại có dãy Trường Sơn sừng sững, cả 3 dãy núi đều đóng vai trò như bức tường thành tự nhiên bảo vệ lấy kinh thành.
Tiếp theo, trả lời cho câu hỏi “Vì sao bao bọc lấy kinh thành là những hào nước?”
Không chỉ về yếu tố phòng thủ cho kinh thành, những hào nước còn mang yếu tố “Thủy tụ” mang nhiều sinh khí cho kinh thành, tương tự với sông Ngự Hà cũng vậy. Nếu coi sông Hương là mạch chính thì những hào dẫn nước từ sông Hương vào nhưng muốn kinh thành hưởng lấy sinh khí từ trời đất. Theo như cụ Tả Ao nói về dòng chảy của sông thì sông Hương có nhiều đoạn uốn khúc, có Thủy Hử dễ tích tụ sinh khí cho nhiều đời về sau. Tóm gọn lại rằng, kinh thành đã mượn được việc con sông chảy qua trước kinh thành vừa đóng góp yếu tố minh đường vừa hưởng được nguồn sinh khí của dòng sông đem lại.
Vậy tại sao lại là hướng đông nam thay vì là hướng chính nam? Bởi lẽ nếu quay về đúng hướng chính nam thì kinh thành sẽ gặp nhiều bất lợi như: không nhận Ngự Bình là tiền án, sông Hương làm minh đường, và điều quan trọng là kinh thành sẽ bị dãy Trường Sơn chắn xéo trước mặt (vốn dĩ dãy núi đi theo hướng tây bắc – đông nam). Từ đó chọn hướng đông nam cho kinh thành là lựa chọn tốt nhất.
Sự phân bổ các cung trong kinh thành cũng không phải là sự ngẫu nhiên. Hoàng thành có trục chính còn gọi là trục dũng đạo trục này bao gồm điện Thái Hòa (1), điện Cần Chánh (2), điện Càn Thành (3) tất cả là nơi làm việc và nghỉ ngơi của nhà vua.
Theo quan niệm xưa, “Nam tả nữ hữu” tức là nam bên trái, nữ bên phải, vậy nên việc sắp xếp chỗ ở cho nữ nhân trong cung cũng phải dựa trên điều này, từ đó ta thấy Lục viện- nơi ở của phi tần (1), cung Trường Sanh (2) và cung Diên Thọ (3) (nơi ở của các bậc hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu) sẽ nằm bên phải của trục dũng đạo. Một ví dụ điển hình và rõ ràng nhất đó chính là cửa Hiển Nhơn và cửa Chương Đức. Cửa Hiển Nhơn được dùng cho nam nhân, nằm bên trái hoàng thành. Cửa Chương Đức thì dành cho nữ nhân nằm bên phải hoàng thành.
Ngoài ra theo phong thủy xưa, phía Tây thuộc về chủ, phía Đông thuộc bạn bè ti bộc, vật giá, châu báu, kho đụn, vật loại… tức là những thứ mà chủ sai khiến, sử dụng
(1) Phủ nội vụ, (2) điện Khâm Văn (nơi vua nghị sự với các cận thần)
Một điều thú vị ít ai để ý ở thành phố Huế đó là phía tây thành phố tập trung rất nhiều chùa chiền. Lí do của việc lạ lẫm này có thể giải thích như sau: nếu áp dụng kinh dịch vào trục của kinh thành thì phía tây sẽ là hành Kim, còn phía đông là Mộc. Đặc biệt, ở phía tây kinh thành có rất nhiều đồi núi cao, sẽ làm cho hành Kim vượng hơn và khắc Mộc ở hướng đông ( điều này dựa theo thuyết ngũ hành). Vì thế việc buôn bán và các hải cảng cùng kinh tế ở hướng đông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế nên cho xây nhiều chùa ở phía tây để trấn bớt hành Kim cùng với đó là cho mở nhiều chợ ở phía đông.
Từ những phân tích trên, ta thấy rất rõ, việc quy hoạch và xây dựng cũng như chọn đất làm kinh đô luôn cần sự chuẩn xác, thay đổi cho hợp lí một cách kĩ lượng. Song tưởng chừng một mảnh đất với hội tụ đủ linh khí của trời đất sẽ giúp cho triều đại đứng vững thiên thu nhưng cuối cùng lại kết thúc ngắn ngủi như vậy.
Có ý kiến ngòai luồng cho rằng những ngừơi quy hoạch kinh thành đã bỏ lỡ yếu tố đơn giản nhưng quan trọng. Đó chính là khoảng cách từ kinh thành đến với long mạch quá gần. Một danh sư phong thủy Trung Quốc cho rằng việc sông núi chầu phục cần phân rõ xa và gần. Long mạch xa ngàn dặm là đất để dựng kinh đô, xa hai hay ba trăm dặm chỉ có thể làm châu phủ, còn gần hơn thì chỉ có thể làm huyện thành, các trấn.
Vậy nếu nhìn kĩ lại, từ kinh thành Huế đến các mạch chính từ dãy Trường Sơn chỉ cách chưa đến trăm dặm. Ngoài ra các dãy núi đến chầu phục cũng như sông ngòi đều ngắn thì khó có thể đem đến sự thịnh vượng có đất kinh đô được.
Thực sự có phải là một lỗi nhỏ trong phong thủy khi chọn đất dựng kinh đô, đã làm cho triều Nguyễn bị ảnh hưởng lớn đến vậy? Hay đó chỉ là những nghi vấn không chắc chắn đặt ra để làm cuốn hút những ai tìm hiểu về mảnh đất cố đô này. Dù cho thế nào, dù đúng hay sai thì tiền nhân đi trước đã cho ta thấy đựơc những kì tích mà họ đã gây dựng lên không chỉ là vài ba ngày mà nó là hàng chục năm vất vả của hàng vạn nhân công xây dựng. Qua đó cũng như khẳng định về sức mạng và vị thế của một triều đại, một quốc gia có nghìn năm văn hiến.